Hội thảo tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội; tìm hiểu những khía cạnh pháp lý và thực tiễn một số nước trên thế giới về vấn đề này nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm có thể tham khảo có chọn lọc phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn tập trung thảo luận về các vấn đề:
- Về cơ sở lý luận của việc Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội;
- Về phạm vi vấn đề kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định; trong đó, làm rõ “ranh giới” giữa thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ (nhằm bảo đảm phân công, phân nhiệm rõ ràng về phạm vi thẩm quyền; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động cho hoạt động điều hành của Chính phủ);
- Về các tiêu chí, căn cứ để xác định vấn đề quan trọng (về kinh tế - xã hội) thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết và để xây dựng các chỉ số của từng vấn đề, đặc biệt đối với những nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm; của dự án, công trình và của dự toán ngân sách nhà nước;
- Về vị trí, vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực này; sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, chính phủ;
- Về hiệu lực (giá trị pháp lý) của các Nghị quyết của Quốc hội;
- Về quy trình, thủ tục trong Quốc hội quyết định những vấn đề về kinh tế - xã hội;
- Về tình hình kinh tế - xã hội trong nước, ngoài nước và các yêu cầu đòi hỏi đối với việc Quốc hội quyết định những vấn đề kinh tế - xã hội.
Sau Hội thảo, các ý kiến, đề xuất khách quan, khoa học, tâm huyết và có trách nhiệm của các vị đại biểu sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nhằm góp phần giúp cho Quốc hội thực hiện các chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trung tâm thông tin